TÌM HIỂU VỀ CHU KÌ KINH NGUYỆT
1. Chu kì kinh nguyệt là gì?
Nguồn Internet
Kinh nguyệt là sự bong tróc hàng tháng của lớp niêm mạc tử cung. Máu kinh nguyệt một phần là máu và một phần là mô từ bên trong tử cung, chảy từ tử cung qua cổ tử cung và ra khỏi cơ thể qua âm đạo.
Gọi là chu kì kinh nguyệt vì hiện tượng này xuất hiện có tính chu kì theo sự thay đổi của hormon trong cơ thể nữ giới, thường là hàng tháng, lặp đi lặp lại theo quy luật. Chính vì vậy, khi chu kì kinh nguyệt không còn đều đặn, cơ thể có thể đang thay đổi về hormon hay có thể là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn nào đó đang diễn ra.
2. Chu kì kinh nguyệt bình thường thì như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt có thể được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn nang trứng hoặc tăng sinh, và giai đoạn hoàng thể hoặc giai đoạn tiết. Độ dài của một chu kỳ kinh nguyệt là số ngày giữa ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt này đến ngày bắt đầu hành kinh của chu kỳ tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài 28 ngày với hầu hết các chu kỳ kéo dài từ 25 đến 30 ngày. Những bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt cách nhau dưới 21 ngày được gọi là đa kinh, trong khi những bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày được gọi là thiểu kinh. Lượng máu mất đi trong thời kỳ kinh nguyệt thường rơi vào khoảng 30 mL; bất kỳ lượng nào lớn hơn 80 mL đều được coi là bất thường. Chu kỳ kinh nguyệt thường không đều nhất vào khoảng thời gian cực đại của đời sống sinh sản (mới có kinh và mãn kinh) do không rụng trứng và nang trứng phát triển không đầy đủ.
3. Các giai đoạn cụ thể của một chu kì kinh nguyệt?
Chu kì kinh nguyệt được điều hòa bởi các hormon chính là estrogen, progesterol, LH và FSH, có thể chia nhỏ các giai đoạn chính của chu kì kinh nguyệt làm 4 giai đoạn:
3.1. Giai đoạn kinh nguyệt
Bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Đó là khi lớp niêm mạc tử cung bong ra qua âm đạo nếu trứng không được thụ thai. Giai đoạn này có sự chảy máu có thể kéo dài 3-5 ngày, hoặc đến 7 ngày vẫn có thể xem là bình thường.
3.2. Giai đoạn nang trứng
Bắt đầu từ ngày có kinh nguyệt tới lúc rụng trứng (tức là trùng với lúc bắt đầu có kinh nguyệt cho tới trước khi rụng trứng). Trong thời gian này, mức độ hormone estrogen tăng lên, khiến niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) phát triển và dày lên. Ngoài ra, hormone kích thích nang trứng (FSH) khiến các nang trứng trong buồng trứng phát triển. Trong ngày thứ 10 đến ngày thứ 14, một trong những nang trứng đang phát triển sẽ hình thành một quả trứng trưởng thành hoàn toàn. Giai đoạn này thường kéo dài 14 ngày trong chu kì 28 ngày.
3.3. Giai đoạn rụng trứng
Giai đoạn này xảy ra vào khoảng ngày thứ 14 trong chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày. Sự gia tăng đột ngột của hormone LH khiến buồng trứng giải phóng trứng. Sự kiện này gọi là sự rụng trứng.
3.4. Giai đoạn hoàng thể
Giai đoạn này kéo dài từ khoảng ngày 15 đến ngày 28. Trứng rời khỏi buồng trứng và bắt đầu di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung. Progesterone kích thích làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị cho hợp tử làm tổ. Nếu trứng đã được thụ tinh bởi tinh trùng và bám vào thành tử cung, thì sự thụ thai thành công. Nếu không có thai, mức độ estrogen và progesterone giảm xuống và niêm mạc tử cung dày sẽ bong ra trong thời kỳ kinh nguyệt.
Nguồn: Internet
4. Nhận biết sự bất thường chu kì kinh nguyệt
Đối với hầu hết phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt bình thường dao động từ 21 đến 35 ngày. Tuy nhiên, 14% đến 25% phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, nghĩa là chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường; nặng hơn hoặc nhẹ hơn bình thường; hoặc gặp phải các vấn đề khác, như đau bụng. Chu kỳ không đều có thể có rụng trứng hoặc không.
Một số bệnh liên quan đến kinh nguyệt bất thường có thể kể tới:
– Vô kinh: không có kinh nguyệt sau 16 tuổi hoặc ngừng kinh nguyệt trong ít nhất 3 tháng và không mang thai.
– Kinh nguyệt không đều: chu kì kinh nguyệt cách nhau hơn 35 ngày.
– Rong kinh: tình trạng hành kinh chảy máu quá nhiều.
– Chảy máu kinh kéo dài: chảy máu kéo dài hơn 8 ngày một cách thường xuyên
– Đa kinh: chu kì kinh nguyệt thường xuyên xảy ra cách nhau chưa đầy 21 ngày
– Chu kì kinh nguyệt ngắn hơn 2 ngày
– Chảy máu giữa kì kinh nguyệt
Thăm khám chuyên gia khi có những dấu hiệu bất thường để phát hiện kịp thời vấn đề bạn đang gặp phải.
Tài liệu tham khảo:
(1). Reed BG, Carr BR. The Normal Menstrual Cycle and the Control of Ovulation. [Updated 2018 Aug 5]. In: Feingold KR, Anawalt B, Blackman MR, et al., editors. Endotext [Internet]. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.; 2000-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279054/
(2). Menstrual Cycle, Cleveland Clinic – Sep 12, 2022, https://my.clevelandclinic.org/health/articles/10132-menstrual-cycle
(3). https://www.nichd.nih.gov/health/topics/menstruation/conditioninfo/irregularities