BỆNH THẬN DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
1. Giới thiệu
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh chuyển hóa, liên quan đến lượng đường trong máu tăng cao quá mức giới hạn phù hợp. ĐTĐ có một số loại, bao gồm ĐTĐ týp 1, týp 2, ĐTĐ khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ sơ sinh và các nguyên nhân thứ phát do bệnh lý nội tiết, sử dụng steroid,… Nếu không được kiểm soát, ĐTĐ gây ảnh hưởng tới chuyển hóa và chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có thận.
ĐTĐ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận mãn tính. Tổn thương thận ở bệnh nhân đái tháo đường có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ không triệu chứng đến protein niệu rõ ràng và suy thận.
2. Tại sao đái tháo đường gây tổn thương thận?
Bệnh thận do ĐTĐ là một bệnh phức tạp, có nhiều nguyên nhân chồng chéo khác nhau và cơ chế bệnh sinh chính xác vẫn chưa được nghiên cứu.
– Tăng đường huyết kích thích các đồng vận chuyển natri-glucose để tăng tái hấp thu glucose và natri ở các ống lượn gần, làm giảm vận chuyển natri clorua đến điểm dày đặc. Các tiểu động mạch thận cũng giãn ra và giải phóng angiotensin II. Một loạt các cơ chế góp phần làm tăng tưới máu cầu thận, tăng áp lực nội cầu thận và tăng lọc cầu thận. Điều này giống như một áp lực mạnh đang tống vào thận khiến thận phải làm việc nhiều hơn mức bình thường.
– Ở những bệnh nhân ĐTĐ lâu năm, xuất hiện các phản ứng viêm nhiều hơn. Có phát hiện được sự gia tăng của các cytokine gây viêm, chemokine và các yếu tố tăng trưởng đã được quan sát thấy trong các sinh thiết thận từ những bệnh nhân mắc bệnh thận do ĐTĐ. Cùng với đó, liên quan đến stress oxy hóa, tình trạng tăng đường huyết dẫn đến sản xuất các loại oxy phản ứng, kích hoạt các thể gây viêm và gây ra quá trình chuyển đổi biểu mô thành trung mô và apoptosis, do đó góp phần vào sự tiến triển của tổn thương thận. Tình trạng viêm có thể tạo nên mối liên hệ giữa các kích thích sinh hóa, sự tuyển dụng tế bào miễn dịch, căng thẳng oxy hóa và các biến đổi tế bào thận, cuối cùng dẫn đến tổn thương cầu thận và mạch máu với xơ kẽ và teo ống thận.
– Các yếu tố về di truyền, kinh tế và xã hội cũng có thể góp phần là nguy cơ gây ra bệnh thận do đái tháo đường mà ở đó có thể kết hợp nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau có bao gồm cả lối sống.
Các nguyên nhân khác nhau kể trên được xem là khá phức tạp và chưa được minh chứng rõ ràng, tuy nhiên vẫn góp phần nào đó làm cơ sở nghiên cứu sâu hơn để giải thích cho tỉ lệ người bị bệnh thận do ĐTĐ.
3. Làm thế nào để bảo vệ thận khi bị mắc bệnh đái tháo đường?
– Mấu chốt quan trọng nhất để bảo vệ thận, đồng thời giúp ngăn ngừa các biến chứng bất lợi của đái tháo đường gây ra chính là kiểm soát đường huyết ở mức mục tiêu theo hướng dẫn của Bộ Y tế hay các tổ chức Y tế trên thế giới khuyến cáo. Ở mỗi đối tượng sẽ có mức đường huyết khác nhau, đòi hỏi sự tư vấn và theo dõi chặt chẽ. Nhìn chung mục tiêu đường huyết HbA1C của đa số là 7%, một số trường hợp con số này có thể khác đi.
+ Đo đường huyết hằng ngày bằng dụng cụ tại nhà.
+ Định kì kiểm tra đường huyết tại cơ sở Y tế theo hướng dẫn.
– Đồng thời kiểm soát mức huyết áp nếu có bệnh lí tăng huyết áp kèm theo. Huyết áp là lực của máu tác động lên thành mạch máu. Huyết áp cao khiến tim phải làm việc quá sức. Nó có thể gây ra đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Mục tiêu huyết áp của hầu hết những người mắc bệnh ĐTĐ là dưới 140/90 mm Hg.
– Phát triển hoặc duy trì thói quen sống lành mạnh: Thói quen lối sống lành mạnh có thể giúp bạn đạt được mục tiêu về lượng đường trong máu và huyết áp. Thực hiện theo các bước dưới đây cũng sẽ giúp bạn giữ cho thận khỏe mạnh.
+ Bỏ thuốc lá.
+ Làm việc với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường và hạn chế muối và natri
+ Xây dựng thói quen tập thể dục đều đặn
+ Duy trì hoặc đạt đến mức cân nặng khỏe mạnh.
+ Ngủ đủ giấc. Cố gắng ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
– Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia Y tế, không tự ý ngưng thuốc hay đổi thuốc.
Bệnh thận do ĐTĐ là một bệnh lí thận mạn tính gặp phải ở đối tượng bị đái tháo đường lâu năm. Bệnh do nhiều nhóm nguyên nhân gây ra và chưa được xác định rõ ràng. Kiểm soát đường huyết và bệnh kèm, cộng thêm một lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị là chìa khóa giúp người bệnh tránh khỏi bệnh thận do ĐTĐ và các biến chứng khác do ĐTĐ gây ra.
Tài liệu tham khảo:
(1). Sapra A, Bhandari P. Diabetes. [Updated 2023 Jun 21]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551501/
(2). Esposito, P., Picciotto, D., Cappadona, F., Costigliolo, F., Russo, E., Macciò, L., & Viazzi, F. (2023). Multifaceted relationship between diabetes and kidney diseases: Beyond diabetes. World journal of diabetes, 14(10), 1450–1462. https://doi.org/10.4239/wjd.v14.i10.1450